Doanh nghiệp ngậm đắng khi tên miền bị mạo nhận
Nhiều doanh nghiệp phải "ngậm đắng nuốt cay" chi vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng để giữ tên miền thật.
Trong thời đại internet ngày nay, tên miền đã trở thành một công cụ hữu ích để doanh nghiệp và khách hàng có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin về nhau một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của Luật sở hữu trí tuệ về tên miền để trục lợi thông qua việc đăng ký các tên miền tương tự hoặc trùng với tên miền của các công ty, tập đoàn nổi tiếng.
Đó là đánh giá của nhiều đại biểu trong buổi hội thảo về xử lý tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ vừa được Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM tổ chức.
Dễ bị lợi dụng
Đại diện công ty Amway cho biết, trước khi vào Việt Nam hoạt động, tên miền Amway.com đã được công ty đăng ký và bảo hộ trên nhiều quốc gia. Thế nhưng, năm 2011, công ty phát hiện có một tên miền khác gần giống với tên miền của mình được đăng ký tại Việt Nam là Amway.vn. Trên website này lại đăng tải nhiều thông tin sai lệch, không chính thống về sản phẩm cũng như hoạt động của công ty, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và công việc kinh doanh của mình.
Để bảo vệ quyền lợi, công ty đã có văn bản gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ để được giúp đỡ. Tuy nhiên, sau khi đã có kết luận của Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng không thể giải quyết để thu hồi tên miền mạo nhận nói trên.
Trong khi đó, bà Lê Thanh Bình, Trưởng ban pháp chế, Công ty Cổ phần sữa Vinamilk cho biết, khi đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, công ty có đăng ký tên miền con của Vinamilk ở nước ngoài, thế nhưng “Chúng tôi phát hiện đã có người đăng ký tên miền đó trước cách đấy không lâu. Lo sợ tên miền chính sẽ bị mạo danh, chúng tôi phải thay đổi chiến lược, đăng ký tên miền bao vây có giá trị trong một vùng bao gồm nhiều nước. Việc làm này đã gây tốn kém thêm một khoản kinh phí không nhỏ của công ty”, bà Bình nói.
Bà chia sẻ thêm, quy định của nhà nước khi yêu cầu xử lý vi phạm thì phải chứng minh được bên bị hại là doanh nghiệp nổi tiếng. Thế nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp có thể rất lớn và được người dân biết đến rộng rãi, nhưng cơ chế để công nhận trở thành doanh nghiệp nổi tiếng thì lại chưa rõ ràng. Do đó, nhà nước cần thiết phải ban hành sớm những tiêu chí này để doanh nghiệp bớt phần thủ tục chứng minh sự nổi tiếng của doanh nghiệp, từ đó, có thêm cơ chế bảo hộ tên miền của những doanh nghiệp đó.
Cũng trong tình trạng tương tự như Vinamilk, Saigon Tourist, một thương hiệu lớn trong ngành du lịch Việt Nam cũng đang đầu tư bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký tên miền bao vây, nhưng theo đại diện của công ty, “Vây chỗ này thì có người chiếm giựt chỗ khác, dù đăng ký tên miền với nhiều đuôi khác nhau nhưng vẫn có hành vi vi phạm. Nếu không xử lý triệt để sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam”.
Theo vị này, tên miền điện tử là công cụ hữu ích để doanh nghiệp đến gần người tiêu dùng, khách hàng có thể ngồi 1 chỗ, click chuột là có thể có được thông tin của tất cả sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. Thế nên, hiện đang xuất hiện những cá nhân đầu cơ tên miền, rồi sau đó đưa ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp bỏ tiền để giữ tên miền đó với giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng.
Công ty Amway từng đau đầu vì tên miền chính (amway.com) bị một website khác của Thái Lan làm giả (amwayshopping.com) và đăng tải nhiều thông tin sai lệch về sản phẩm của công ty
Vậy vấn đề ở đây là tại sao tên miền đó lại có giá trị đến như vậy. Phải chăng là do thương hiệu và danh tiếng mà doanh nghiệp vốn đã đổ mồ hôi nước mắt để gây dựng nên. Và bây giờ những cá nhân đầu cơ tên miền đó hưởng lợi? Chính vì thế, vị này cho rằng, nếu không xử lý triệt để thì không chỉ một doanh nghiệp ảnh hưởng mà còn nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành nghề đó.
Ngoài ra, quy định và cách quản lý tên miền quá dễ dàng: Khi một người có thể sở hữu nhiều tên miền, doanh nghiệp cũng bất an lo sợ công sức của mình bị lợi dụng. Do đó, cần phải soạn thảo lại thông tư liên tịch, trong đó có quy định chặt chẽ hơn về quản lý, xem tên miền đăng ký có vi phạm tên thương mại hay không.
Khó xử lý
Theo luật sư Lê Quang Vinh từ hãng luật Bross And Partners, tên miền là công cụ thiết yếu trong thương mại điện tử, là địa chỉ để định danh trên mạng ietrnet. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế đều tuân theo nguyên tắc chung khi đăng ký tên miền là ai nộp đơn trước thì được cấp trước, sử dụng trước. Chính vì chính nguyên tắc này nên nảy sinh ra nhiều chủ thể có động cơ không lành mạnh, lấy nhiều thương hiệu lớn để đăng ký, làm cho chủ sở hữu thật sự không đăng ký được nữa.
Từ đó, xảy ra xung đột người đăng ký tên miền với chủ sở hữu thương hiệu. Đây thực tế là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, khi đăng ký tên miền mới, người đăng ký phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về lĩnh vực mà mình đang tham gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM thừa nhận, việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại về tên miền gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, không ít trường hợp cho rằng, họ đăng ký trước, quá trình đăng ký tuân theo quy định nhà nước, vậy trách nhiệm quản lý nhà nước tại sao không chặn ngay từ đầu mà tự nhiên một ngày nào đó lại bảo họ đang vi phạm. Vì vậy, cần có một cơ chế nào đó để khi được cấp tên miền thì sẽ không có sự tranh chấp sau này.
Cũng theo bà Huệ, hiện nay, chúng ta chưa có văn bản nào quy định về việc thu hồi tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ. Dẫn chứng ở trường hợp của Amway, dù năm 2011, Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã có công văn kết luận là cạnh tranh không lành mạnh, nhưng khi chuyển xuống trung tâm Internet Việt Nam thì lại vướng mắc ở chỗ: Không có quy định tháo gỡ tên miền. Từ đó, các vụ tranh chấp mới chỉ dừng lại ở việc thương lượng, hòa giải giữa hai bên, chưa có một chế tài mạnh mẽ nào để giải quyết triệt để tình trạng đầu cơ, lợi dụng tên miền ăn theo doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Tp.HCM cho rằng, chính việc thiếu đồng bộ của một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và lĩnh vực thông tin truyền thông dẫn đến việc xử lý hành vi xâm phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng Bộ Truyền thông – Thông tin nên sớm ban hành Thông tư liên tịch quy định phối hợp giải quyết tranh chấp tên miền liên quan đến SHTT là hết sức cần thiết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xử lý tên miền xâm phạm quyền. Đây không chỉ là giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, mà qua đó tăng cường bảo hộ quyền SHTT của các chủ thể quyền, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT.