Kỷ nguyên "chấm com" đã đến lúc "chấm hết"?
Ngày càng nhiều doanh nghiệp và các thương hiệu lớn quyết định từ bỏ các tên miền thông thường như ".com" và chuyển sang ".chanel", ".coupon"...
Ai cũng biết Internet kì thú nhưng cũng đầy cạm bẫy luôn rình rập. Những kẻ lừa đảo có những chiêu trò khiến người dùng dễ dàng mắc bẫy. Chúng dễ dàng mua một tên miền đuôi ".com" với giá chỉ bằng vài bát phở, thường sẽ là những địa chỉ web na ná với những trang web bạn thường hay sử dụng nhằm lửa đảo, khiến bạn đăng nhập bằng các tài khoản và chiếm đoạt nó.
Đôi khi nó không chỉ dừng lại ở những tài khoản game hay các trang mạng xã hội, nhiều kẻ còn sử dụng các tên miền giống với những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng và sử dụng nó để đánh cắp tiền từ trong thẻ tin dụng của người dùng.
Một dạng lừa đảo sử dụng tên miền gần giống tên miền thật.
Theo thông kê, mỗi ngày tại Mỹ có khoảng 1000 hồ sơ khiếu nại lừa đảo trên mạng, 3/4 nạn nhân bị lừa đảo bởi hình thức sử dụng đường dẫn giả mạo nói trên.
Chưa kể tới vấn đề người dùng bị "sập bẫy", chính những công ty cũng là nạn nhân của những đường dẫn "mập mờ" nói trên. Nhiều thương hiệu lớn từng bị "tống tiền" bởi những kẻ sở hữu các tên miền .com có địa chỉ gần giống với tên thương hiệu của họ. Hàng năm các vụ kiện liên quan tới quyền sở hữu các thương hiệu tiêu tốn của những doanh nghiệp này nhiều triệu USD, đôi khi vấn đề tới từ 1 dấu gạch ngang tưởng như vô hại.
Thương hiệu Wal-Mart từng phải trả nhiều tiền để mua về địa chỉ walmart.com chỉ vì quá nhiều khách hàng nhầm lẫn nó với trang web "chính chủ" có một dấu gạch. Vì vậy, các ông lớn như Google hay Wal-Mart đã quyết định chi 185.000 USD để sở hữu tên miền kết thúc bằng .google hay .walmart của riêng họ. Đây là những tên miền cấp độ cao trong thế giới Internet, cấp độ mà chỉ các tổ chức phi lợi nhuận hay tập đoàn cực lớn mới có thể sử dụng.
Tính tới nay, đã có 543 công ty, tập đoàn lớn sở hữu các địa chỉ cấp độ cao. Các địa chỉ có hậu tố là .com hay .net vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trong một thời gian dài nữa, nhưng chúng ta đều có thể thấy được những vấn đề nó đang mang lại cho người dùng hay và cả các công ty.
Ngoài những ông lớn giới công nghệ, các nhãn hiệu thời trang như Chanel hay Hermes cũng từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo nói trên. Năm 2012, Chanel cũng đã được cấp riêng địa chỉ .chanel . Với tên miền như vậy, các nhãn hiệu thời trang còn có thể bảo vệ được thương hiệu của chính mình, khi giúp khách hàng dễ dàng phân biệt được đâu là trang web bán hàng chính hãng, khi mà các nhãn hiệu thời trang lớn bị làm nhái rất nhiều.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Barclays cũng đã "nhanh chân nhanh tay" kiếm cho mình địa chỉ web home.barclays, nơi người dùng có thể truy cập vào trang web của họ dễ dàng và an toàn hơn. Hơn 5500 ngân hàng khác nhau cũng đang muốn được sử dụng chung hậu tố web .bank dành riêng cho lĩnh vực ngân hàng. Nhiều những hậu tố web chuyên biệt khác cũng đang chuẩn bị được tạo ra, như .coupon dành cho các trang web bán hàng với hình thức mua chung, .city sẽ được sử dụng cho trang web của nhiều thành phố lớn, hay .meme trở thành nơi hội tụ những website vui nhộn và hài hước.
Các công ty chắc rằng những tên miền mới sẽ giúp họ bảo mật và phục vụ người dùng tốt hơn. Thay vì sử dụng những tên miền phụ như hiện nay, các thương hiệu sẽ sử dụng nhiều tên miền khác nhau cho các mục đích khác nhau, giúp người dùng dễ dàng ghi nhớ hơn.
Ngoài vấn đề an toàn cho người dùng, tên miền dạng này còn giúp các thương hiệu tránh bị "tống tiền" tên miền.
Sau hơn 20 năm sử dụng tên miền có hậu tố .com, chúng ta dường như quen với việc mặc định nó là một phần không thể thiếu của nhiều trang web, đặc biệt là các trang web của những thương hiệu lớn trên thế giới. Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi, sự thay đổi mang đến an toàn cho chính những người dùng. Vì thế là một người sử dụng internet, bạn hãy dần quen với chúng, liệu có một ngày người ta sẽ dùng tới trang web home.facebook?
Theo Trí thức trẻ
nguồn : http://ictnews.vn/internet/ky-nguyen-cham-com-da-den-luc-cham-het-129810.ict
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét