Đừng bỏ phí lợi thế của tên miền
Nhiều tập đoàn quốc tế như Google đã "bao vây" tên miền - đăng ký tất cả các đuôi tên miền quốc gia của các nước để quảng bá thương hiệu. Trong đó, tên miền MobiFone.com đang nằm trong tay một DN Trung Quốc, tên miền thương hiệu Cà phê Chồn của Trung Nguyên lại do một cá nhân định cư ở Mỹ đăng ký...
Việc lấy lại tên miền thương hiệu cho doanh các doanh nghiệp Việt Nam thường rất khó khăn và gian nan, và tốn kém. |
Tên miền MobiFone.com trỏ vào trang nước ngoài
Trao đổi với Báo BĐVN, bà Lương Thị Thanh Hương, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Mắt Bão Networks tại miền Bắc nhấn mạnh hiện trạng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam vẫn chưa chú trọng việc đăng ký tên miền thương hiệu, chưa có hướng nhìn xa khi thâm nhập thị trường quốc tế. "Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đăng ký tất cả các đuôi tên miền quốc gia của các nước, ví dụ như Google đã đăng ký google.com.vn, google.jp... Nói cách khác, Google đã có tầm nhìn "bao vây" thương hiệu ở tất cả các quốc gia khác. Trong khi đó, nhìn vào các doanh nghiệp Việt Nam, thường vẫn có tâm lý tiếc tiền, chỉ đăng ký một tên miền duy nhất, hoặc là .com, hoặc .com.vn, hoặc .vn, chứ chưa nhìn thấy sự ảnh hưởng, thậm chí rủi ro trong kinh doanh khi bỏ phí lợi thế của các tên miền trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", bà Hương nói.
Lãnh đạo Mắt Bão thẳng thắn chỉ ra 3 bài học kinh nghiệm. Một là Trung Nguyên, dù đang rất nỗ lực xây dựng thương hiệu Cà phê Chồn trên đất Mỹ, nhưng ban đầu chỉ đăng ký tên miền legendee.com mà không đăng ký tên miền thương hiệu legendeecoffee.com, để một Việt kiều định cư ở Mỹ đăng ký mất, giờ khó có thể lấy lại. Hai là Bkav, cách đây hơn 10 năm không nghĩ tới việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu nên không mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước Bkav.com.vn. Đến đầu năm 2012, sau khi đã chi 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com (đã có người đăng ký từ năm 2001) thì mới có thể sử dụng chính thức tên miền quốc tế này. Và ba là MobiFone, có lẽ cũng chưa nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của tên miền nên hiện đã để mất tên miền MobiFone.com. Tên miền này đang do 1 doanh nghiệp Trung Quốc nắm giữ, khi gõ tên miền MobiFone.com thì đang trỏ vào 1 site nước ngoài rao bán tên miền này.
Việc lấy lại tên miền thương hiệu cho doanh các doanh nghiệp Việt Nam thường rất khó khăn và gian nan và tốn kém. Nhưng nếu không lấy lại được thì sẽ có thể gây cản trở hành trình mở rộng kinh doanh ra nước ngoài vì dễ gây ra sự nhầm lẫn về thương hiệu, đặc biệt, nếu tên miền rơi vào tay kẻ xấu hoặc bị tin tặc thao túng, đẩy thông tin sai sự thật thì có thể làm xấu hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.
Ít tiền, nên ưu tiên tên miền nào?
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn lăn tăn về chuyện sẽ rất tốn kém nếu triển khai hoạt động "bao vây" tên miền. Song bà Hương khẳng định, chi phí để đăng ký và duy trì các tên miền rất rẻ. Đối với tên miền .com chỉ tốn khoảng 250.000 đồng phí duy trì mỗi năm. Với tên miền .com.vn thì chỉ 700.000 đồng/tên miền cho năm đầu tiên và phí duy trì hàng năm là 350.000 đồng. Tên miền .vn cũng tương tự. Nếu so với việc phải bỏ hàng tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo thì chi phí đầu tư cho tên miền chẳng thấm vào đâu.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ vẫn muốn tiết giảm tối đa chi phí, bà Hương gợi ý nên đầu tư ưu tiên cho tên miền .com. "Hiện có rất nhiều tên miền mở rộng nhưng .com là tên miền tiêu chuẩn nhất được công nhận cho việc kinh doanh trực tuyến. Hiện tại, có tới 4/5 chủ sở hữu website của doanh nghiệp vừa và nhỏ ưa thích sử dụng địa chỉ website với tên miền .com; 79% người dùng mạng Internet thích truy cập vào địa chỉ .com, 66% các doanh nghiệp vừa và nhỏ thích sử dụng tên miền .com có tính miêu tả. Theo thống kê của Zooknic, tính đến ngày 31/3/2014, đã có 113,2 triệu tên miền .com được đăng ký; chỉ trong quý 1/2014 đã có 8,6 triệu tên miền .com và .net được đăng ký mới", bà Hương nhấn mạnh.
"Một số cá nhân, doanh nghiệp có tài khoản online có thể đăng ký mua tên miền .com trực tuyến với nhà đăng ký quốc tế, có thể chi phí rẻ hơn so với việc đăng ký qua các nhà đăng ký nội địa. Tuy nhiên, sau này khi cần hỗ trợ gia hạn hoặc chuyển nhượng tên miền thì sẽ gặp khó khăn, nhất là khi không thành thạo tiếng Anh. Bởi vậy, nên đăng ký sử dụng tên miền .com qua các nhà đăng ký tại Việt Nam để an toàn hơn", bà Hương khuyến nghị.
http://ictnews.vn/cntt/nghi-quyet-36nqtw/dung-bo-phi-loi-the-cua-ten-mien-121480.ict
Xuân Bách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét