Thị trường tên miền:
Khi chỉ vài chữ cái đã có giá hàng triệu USD
Tại Trung Quốc, đã có rất nhiều người trở thành triệu phú nhờ vào những tên miền mà họ sở hữu.
Hãy tưởng tượng rằng, nếu cách đây 20 năm bạn bỏ ra 1 số tiền nhỏ để mua tên miền "thechap.com", thì hiện giờ bạn sẽ chẳng phải suy nghĩ về những khoản vay hay thế chấp của mình nữa.
Một câu truyện khác, nếu tôi nói với bạn đâu là một tên miền đắt giá, thì chắc chắn nó đã được đánh giá và sở hữu từ vài năm trước. Rõ ràng việc sở hữu những tên miền tiềm năng sau đó bán lại vào thời điểm được giá là một cách giúp bạn kiếm được những khoản tiền cực hời. Nhưng sẽ cần tới một "ngòi nổ" để đưa giá trị của thị trường tên miền lên cao như hiện tại, điều này chúng ta cần phải cảm ơn Trung Quốc.
Vâng, chính Trung Quốc đã làm được điều đó!
Trung Quốc là nơi lưu trữ số của cải lớn thế giới, nhưng sử dụng những tài sản đó để xoay vòng đầu tư (đặc biệt là đầu tư hay mang nước ngoài) từ lâu đã trở thành thách thức đối với người Trung Quốc. Trở ngại này thôi thúc những nhà đầu tư phải tìm kiếm kênh đầu tư mới. Điều đó không hề đơn giản khi mà hầu hết các lĩnh vực tiềm năng tại quốc gia này đều đã bão hòa và khó có khả năng mở rộng.
Khi những người giàu quyết định đầu tư tài sản của mình vào một lĩnh vực nào đó, nó sẽ phải là thứ đặc biệt và chưa nhiều người biết đến.
Khi những bức tranh hay đồng xu cổ được bán với giá hàng triệu USD, ít ai biết được đó không phải là sự may mắn, mà cần tới những bộ não có khả năng tính toán về sự "đầu cơ" một loại tài sản nào đó.
Tên miền không nằm ngoài những thứ nói trên, và việc kinh doanh tên miền đã được những người trong cuộc tính toán trước chúng ta bấy lâu nay. Theo các báo cáo cho biết, thị trường kinh doanh tên miền có giá trị được ghi nhận lên tới hơn 20 triệu USD mỗi tháng, còn những thương vụ tên miền lớn không được ghi lại thì giá trị còn cao hơn nhiều. Trong nhiều năm trở lại đây, các thương hiệu lớn đã sẵn sàng chi hàng triệu USD cho việc mua các tên miền "đẹp", nhằm hỗ trợ thuận lợi việc kinh doanh của họ.
Facebook từng chi 8,5 triệu USD để thu về tên miền FB.com, hay đội bóng chày Texas Rangers cũng sẵn sàng rút hầu bao 375.000 USD cho Rangers.com.
Bởi như ai cũng đã thấy, thị trường kinh doanh tên miền đã nhảy vọt trong những năm qua. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ xoay quanh 1 tên miền nào đó và số tiền hàng triệu USD, thứ chúng ta quan tâm, tại sao giá trị của nó lại tăng cao tới như vậy trong nhiều năm qua? Người ta cho rằng, điều này tới từ những nhà đầu tư Trung Quốc.
Như đã nói ở trên, những nhà đầu tư Trung Quốc cần 1 thứ gì đó ổn định và an toàn để làm kênh đầu tư thay thế. Nhiều người đã chọn Bitcoin, thứ tiền ảo tương đối "bấp bênh", những người khác đã xem xét về khả năng nắm giữ tên miền nhờ những ưu điểm của nó.
Những tên miền có giá trị đang được giao dịch như hàng hóa tại Trung Quốc, giá trị của nó phụ thuộc vào độ hiếm có và nhu cầu của người mua. Xét cho cùng, nếu một doanh nghiệp cần mua tên miền cho thương hiệu của họ, sẽ chỉ có 1 và chỉ 1 tên miền mang lại hiệu quả cao nhất. Tất nhiên sẽ có những tên miền gần giống, nhưng hiệu quả mang lại của chúng chưa bao giờ được đánh giá cao, thậm chí việc để tên miền thương hiệu của mình cho người khác nắm giữ cũng sẽ mang tới nhiều bất lợi cho doanh nghiệp.
Nhận định về sự tương quan giữa 2 kênh đầu tư là Bitcoin và các tên miền, chúng ta thấy có khá nhiều điểm khác nhau giữa chúng, và các nhà đầu tư luôn biết cách chọn kênh đầu tư phù hợp đối với họ.
Và để thị trường tên miền có thể phát triển rực rỡ như ngày hôm nay, cần tới đòn bẩy cực lớn từ những nhà đầu tư (hoặc đầu cơ) tại Trung Quốc, với tiềm lực tài chính và tham vọng cực lớn. Khi những tên miền tốt nhất tập trung hết tại đất nước Đông Á này, thị trường tên miền được định giá lại hoàn toàn trong tay người Trung Quốc.
Điều gì khiến tên miền thu hút được những nhà đầu tư?
1.Sự hiếm có.
Các tên miền càng "độc", càng khó nhầm lẫn và làm giả thì giá trị của nó càng cao. Thường những tên miền loại này sẽ là một danh từ hoặc một cụm từ phổ biến và có ý nghĩa. Chẳng hạn như HomeCare.com, Timeless.com hay Whisky.com, những người dùng Anh ngữ sẽ chẳng bao giờ nhầm những tên miền này với 1 cụm tên miền khác "gần giống".
Ngoài ra, các tên miền càng ngắn, càng ít ký tự phía trước hậu tố dot-com cũng giúp giảm khả năng nhầm lẫn khi tìm kiếm. Tên miền FB.com giá 8,5 triệu USD phía trên là 1 ví dụ. Nhiều kẻ thường mua những tên miền gần giống 1 trang web nổi tiếng, ví dụ facebo0k.com (1 chữ cái "o" bị thay bằng số "0") với mục đích xấu. Nhưng FB.com với chỉ 2 chữ cái trước "chấm com" thì sẽ chẳng có chuyện người dùng bị nhầm lẫn.
Nhiều tên miền ở dạng số như 989.com được bán với giá 818,181 USD hay 588.com có giá 1 triệu USD. Những tên miền bao gồm toàn chữ số kiểu này khá được ưa chuộng, khi mà các con số cũng là độc nhất và khó bị làm giả. Ngoài ra, tại Trung Quốc, các con số cũng mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt, thường mang lại may mắn cho người sở hữu. Các đại gia sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua những tên miền đẹp là các con số để cầu may, giống như những số điện thoại vậy.
Đâu là 1 tên miền có giá trị?
Còn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác, họ rất thích các tên miền với 4 ký tự bao gồm nhiều phụ âm. Trên trang giao dịch tên miền hàng đầu là NameJet, bạn sẽ thấy những tên miền như mzqy.com hay yybw.com có giá rất cao. Nhiều người cho biết, các tên miền với những phụ âm được đánh giá là cao cấp, bởi nó có thể là chữ viết tắt của 1 cụm ý nghĩa nào đó. Còn nếu nó bao gồm nhiều nguyên âm như A, E, I, O hay chữ V thì chỉ nằm ở hạng hai. Những tên miền không có chữ cái nào là cao cấp nhất.
Trở lại với sự hiếm có của tên miền, ai cũng biết rằng chỉ có 100 tên miền với 2 chữ số và 1000 tên miền có 3 chữ số. Bởi thế, với nhu cầu tên miền cao, giá trị của chúng sẽ chẳng bao giờ giảm, thậm chí còn tăng mạnh theo thời gian.
Các nhà đầu tư thậm chí còn chia các nhóm tên miền nói trên thành các nhóm giá trị. Chẳng hạn số 6 và số 8 rất được ưa chuộng tại các nước Á Đông, trong đó có Trung Quốc, điều này khiến những tên miền trong nhóm nói trên sẽ có giá cao hơn nếu chúng chưa số 6 hoặc số 8. Nếu so sánh, có thể thấy số tên miền cao cấp dạng này là rất ít so với con số hàng triệu tên miền đang được sử dụng.
2.Tính thanh khoản.
Người ta mua và thu thập các tên miên trong nhiều năm, với hàng triệu tên miền được bán ra mỗi tuần. Các công ty chuyên kinh doanh tên miền có thể kiếm được hàng triệu USD nhờ vào việc bán các tên miền từ thấp cấp cho tới cao cấp.
Tính thanh khoản của loại hàng hóa dạng này tương đối dễ tiêu thụ, bởi nhu cầu dành cho tên miền luôn rất cao, ngay cả những tên miền có giá "bình dân". Trong khi đó, Bitcoin lại không phải thử dễ chuyển đổi thành tiền mặt, độ thanh khoản của loại tiền tệ này khiến nhiều nhà đầu tư ái ngại.
Tên miền có tính thanh khoản cao, là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư.
3.Sự linh hoạt.
Bạn không cần khai báo hải quan mỗi khi ra nước ngoài, mà vẫn có thể "mang theo" tên miền giá 10 triệu USD mà mình đang sở hữu. Mỗi năm bạn chỉ phải bỏ ra 10 USD để gia hạn tên miền của mình. Chúng mặc nhiên trở thành một loại tài sản an toàn và linh hoạt dành cho những người giàu có tại Trung Quốc, một quốc gia có các chính sách nghiêm ngặt về tài sản cá nhân.
Thị trường tên miền có thể tồn tại tới khi nào?
Chẳng ai nói trước được điều gì, nhưng ngay cả khi giá trị của chúng có giảm xuống 1 chút, nhu cầu sở hữu các tên miền vẫn luôn ở mức cao. Đặc biệt khi mà người Trung Quốc vẫn còn quan tâm tới các ký tự nằm trước "chấm com", tên miền vẫn là một tài sản đáng để sở hữu.
Tham khảo BusinessInsider
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét