Tranh chấp khi tên miền trùng với tên thương hiệu
Gần đây, ở nước ta phát sinh nhiều tranh chấp tên miền. Nhưng phổ biến là dạng tranh chấp phát sinh giữa một bên chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa (NHHH) với bên chiếm giữ tên trùng tên nhãn hiệu, nhưng vẫn được Trung tâm Internet Việt Nam (“VNNIC”) cấp đăng ký dưới dạng tên miền.
Chiếm dụng tên miền bùng phát
Việc trục lợi tên miền thường thể hiện dưới hai xu hướng hoặc là hiện tượng “đầu cơ tên miền” (domain name spetulation) hoặc là “chiếm dụng tên miền” (domain name cybersquatting).
Nếu đầu cơ tên miền là việc đăng ký trước một số tên miền “đẹp” mà dự đoán hoặc kỳ vọng sẽ chuyển nhượng được, thì chiếm dụng tên miền là việc đăng ký có chủ đích khống chế một tên miền trùng với thương hiệu nổi tiếng nhằm hoặc lợi dụng uy tín thương hiệu đó để cạnh tranh hoặc gây cản trở việc quảng bá thương hiệu hoặc là cách gây áp lực buộc chủ thương hiệu nhận chuyển nhượng lại.
Nếu đầu cơ tên miền thường nặng tính cơ hội, thì chiếm dụng tên miền thường gây ra tranh chấp với nhiều xung đột.
Khi có khiếu nại bảo vệ việc cấp phát tên miền cấp 2 “.vn” như đã xảy ra với các NHHH như Heineken, Visa, Trung Nguyên, Vietcombank, Tiger Beer, Ford..., quan điểm của Việt NamNIC thường không nhất quán. Việc cấp phát, thu phí tên miền dường như cơ quan quản lý chưa cân nhắc giảm thiểu việc xâm hại đến quyền lợi của chủ thể khác. Quan điểm của Việt NamNIC về vấn đề cấp phát, quản lý tên miền dễ phát sinh tranh chấp, gây xung đột giữa quy định của bộ, ngành với quy định pháp Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT).
VNNIC áp dụng cứng nhắc nguyên tắc “ai đăng ký trước được cấp trước“ và “bình đẳng không phân biệt”. Thực tế, nguyên tắc trên chỉ là phần nhỏ trong nhiều nguyên tắc khác theo quy định của ngành cũng như quy định pháp luật khác mà lẽ ra Việt NamNIC phải vận dụng khi giải quyết việc cấp phép hoặc giải quyết tranh chấp tên miền. Trong Quyết định số 27/2005/QĐ-BBCVT, ngày 11-8-2005 của Bộ Bưu chính - Viễn thông có nhiều nguyên tắc áp dụng cho việc đăng ký, khai thác tên miền hơn chỉ vỏn vẹn hai nguyên tắc mà Việt NamNIC viện dẫn. Đây có lẽ là nguyên cớ dẫn đến hệ lụy như thời gian qua.
Với trường hợp tên miền như heineken.vn, coke.com.vn hoặc fanta.com.vn …, chúng tôi cho rằng, Việt NamNIC có thể bác hồ sơ đăng ký nếu vận dụng đúng quy định tại Điều 8 (c) Quyết định 27 trên. Theo đó, “tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích và tính chính xác của thông tin cung cấp cho Việt NamNIC và bảo đảm việc đăng ký, sử dụng tên miền không xâm phạm các quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác có trước ngày đăng ký”.
Trường hợp liên quan tên miền heineken.vn, Tập đoàn quốc tế Heineken là bên có quyền, lợi ích hợp pháp đối với NHHH heineken. Khi xét thấy việc chiếm dụng tên miền của bất kỳ chủ thể nào có xâm phạm đến lợi ích của chủ NHHH, thì Việt NamNIC có thể ngăn chặn bằng cách bác đơn, hủy bỏ hoặc tạm thời hủy bỏ tên miền khi có tranh chấp, khiếu nại.
Trước đây, Việt NamNIC đã từng bác đăng ký các tên miền như buoi.com.vn, banlon… với lý do tên miền vi phạm thuần phong, mỹ tục… Đây là quyết định đúng mặc dù rất cảm tính. Trường hợp trên, Việt NamNIC không phải là không nhận định được nhãn hiệu Heineken, Ford, Tigerbeer, Biasaigon… thuộc sở hữu của ai, bằng chứng là Việt NamNIC tự ra thông báo cho các chủ nhãn hiệu này, nhưng vì không thấy có sự phản hồi xác nhận sẽ đăng ký… Việt NamNIC cho mình quyền cấp cho tổ chức khác không phải là chủ nhãn hiệu. Khá đơn giản khi bác đơn với lý do vi phạm mỹ tục, chỉ khác là mặc dù nhận thấy có bất ổn trong việc cấp phát tên miền trùng thương hiệu nổi tiếng, đã được bảo hộ, nhưng Việt NamNIC vẫn cấp và thu phí “bình đẳng không phân biệt”. Cách áp dụng máy móc trên không tạo ra sự bình đẳng, mà gần như là “đánh đồng, cào bằng” giữa bên sở hữu thương hiệu uy tín, hợp pháp với một bên chuyên tâm trục lợi thương hiệu.
Tên miền là đối tượng được bảo hộ theo Luật SHTT thì mới được bảo vệ?
Theo quan điểm của Việt NamNIC, tên miền chỉ là tên định danh địa chỉ Internet (IP) cho các máy chủ trên mạng và tên miền không được xem là đối tượng được bảo hộ theo Luật SHTT. Quan điểm này chưa hẳn đúng.
Điều 130, Luật SHTT cấm hành vi: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
Luật không xếp tên miền vào đối tượng SHTT được bảo hộ. Nhưng như viện dẫn trên điều luật nghiêm cấm hành vi đăng ký - chiếm giữ - sử dụng tên miền trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn thể hiện rõ khi chủ sở hữu tên miền, nhưng không có quyền lợi nào liên quan đến tên miền đăng ký.
Tên miền có phải là thương hiệu?
Tên miền không phải là thương hiệu, nhưng một khi tên miền trùng với một thương hiệu nổi tiếng, một nhãn hiệu được bảo hộ thì hành vi sử dụng tên miền trên đều vi phạm.
Quan điểm của Việt NamNIC, tên miền chỉ là tên định danh địa chỉ Internet (IP) cho các máy chủ trên mạng và tên miền không được xem là đối tượng được bảo hộ theo Luật SHTT. Đây là quan điểm không đúng. Vấn đề hoàn toàn khác khi tên miền gắn liền với tên thương hiệu cụ thể, như nhãn hiệu nổi tiếng heineken. Điều 4.10 quy định nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quy định hiện hành cũng đưa ra trường hợp ngoại lệ đối với nhãn hiệu nổi tiếng quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký (Điều 6.3).
Quy định tại Điều 124.5: “Hành vi sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; Hoặc hành vi lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ”.
Điều 129, Luật SHTT xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
Không nên máy móc đợi tên miền là đối tượng SHTT, mới xét đến khía cạnh bảo hộ quyền sở hữu. Như trình bày, chúng tôi cho rằng bất kỳ hành vi nào có sử dụng NHHH (Điều 124) và việc sử dụng này bị xác định là hành vi xâm phạm quyền đối với NHHH (Điều 129) đều là xâm phạm. Do đó, việc sử dụng tên một nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã được bảo hộ để đăng ký tên miền đều là hành vi phạm pháp luật.
Pháp luật cấm mua bán tài nguyên Internet. Thực tế, có những nhượng bộ tên miền sau khi gắn một số nội dung, tiện ích giản đơn. Tương tự như để “lách” quy định cấm mua bán tài nguyên đất đai, ta trồng chuối để bán lại tài sản, hoa màu có trên đất, chứ không “bán” đất vậy. Theo chúng tôi, một nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã được bảo hộ thì trong mọi hoàn cảnh, chủ nhãn hiệu không nên thoả hiệp với cả đơn vị cấp phép Việt NamNIC lẫn với bên đầu cơ. Sẽ là bất kham một khi Việt NamNIC yêu cầu chủ nhãn hiệu đóng hàng trăm triệu đồng mỗi năm để đăng ký hàng chục tên miền .vn hoặc .com.vn …. chỉ vì quan ngại có người trục lợi thương hiệu. Việc chủ nhãn hiệu đăng ký tên miền “bao vây” hoặc thương lượng với bên đầu cơ để mua lại tên miền sẽ tạo ra tiền lệ nguy hại cho thương hiệu của mình. Điều mà chủ nhãn hiệu cần làm là nên chủ động khuyến báo cho Việt NamNIC về thông tin NHHH của mình. Đồng thời, kịp thời phản đối việc đăng - cấp tên miền có xâm phạm đến nhãn hiệu của mình. Ngoài ra, nếu không có sự minh bạch, phân định khách quan hơn từ cơ quan giữ trọng trách quản lý, cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên Internet như Việt NamNIC, thì các tranh chấp trên nguồn tài nguyên Internet Việt Nam vẫn chưa có hồi kết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét