Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Doanh nghiệp ngậm đắng khi tên miền bị mạo nhận

Doanh nghiệp ngậm đắng khi tên miền bị mạo nhận




Nhiều doanh nghiệp phải "ngậm đắng nuốt cay" chi vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng để giữ tên miền thật.


Trong thời đại internet ngày nay, tên miền đã trở thành một công cụ hữu ích để doanh nghiệp và khách hàng có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin về nhau một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của Luật sở hữu trí tuệ về tên miền để trục lợi thông qua việc đăng ký các tên miền tương tự hoặc trùng với tên miền của các công ty, tập đoàn nổi tiếng. 
Đó là đánh giá của nhiều đại biểu trong buổi hội thảo về xử lý tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ vừa được Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM tổ chức.

Dễ bị lợi dụng


Đại diện công ty Amway cho biết, trước khi vào Việt Nam hoạt động, tên miền Amway.com đã được công ty đăng ký và bảo hộ trên nhiều quốc gia. Thế nhưng, năm 2011, công ty phát hiện có một tên miền khác gần giống với tên miền của mình được đăng ký tại Việt Nam là Amway.vn. Trên website này lại đăng tải nhiều thông tin sai lệch, không chính thống về sản phẩm cũng như hoạt động của công ty, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và công việc kinh doanh của mình.

Để bảo vệ quyền lợi, công ty đã có văn bản gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ để được giúp đỡ. Tuy nhiên, sau khi đã có kết luận của Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng không thể giải quyết để thu hồi tên miền mạo nhận nói trên.
Trong khi đó, bà Lê Thanh Bình, Trưởng ban pháp chế, Công ty Cổ phần sữa Vinamilk cho biết, khi đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, công ty có đăng ký tên miền con của Vinamilk ở nước ngoài, thế nhưng “Chúng tôi phát hiện đã có người đăng ký tên miền đó trước cách đấy không lâu. Lo sợ tên miền chính sẽ bị mạo danh, chúng tôi phải thay đổi chiến lược, đăng ký tên miền bao vây có giá trị trong một vùng bao gồm nhiều nước. Việc làm này đã gây tốn kém thêm một khoản kinh phí không nhỏ của công ty”, bà Bình nói.

Bà chia sẻ thêm, quy định của nhà nước khi yêu cầu xử lý vi phạm thì phải chứng minh được bên bị hại là doanh nghiệp nổi tiếng. Thế nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp có thể rất lớn và được người dân biết đến rộng rãi, nhưng cơ chế để công nhận trở thành doanh nghiệp nổi tiếng thì lại chưa rõ ràng. Do đó, nhà nước cần thiết phải ban hành sớm những tiêu chí này để doanh nghiệp bớt phần thủ tục chứng minh sự nổi tiếng của doanh nghiệp, từ đó, có thêm cơ chế bảo hộ tên miền của những doanh nghiệp đó.

Cũng trong tình trạng tương tự như Vinamilk, Saigon Tourist, một thương hiệu lớn trong ngành du lịch Việt Nam cũng đang đầu tư bảo vệ thương hiệu bằng cách đăng ký tên miền bao vây, nhưng theo đại diện của công ty, “Vây chỗ này thì có người chiếm giựt chỗ khác, dù đăng ký tên miền với nhiều đuôi khác nhau nhưng vẫn có hành vi vi phạm. Nếu không xử lý triệt để sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam”.
Theo vị này, tên miền điện tử là công cụ hữu ích để doanh nghiệp đến gần người tiêu dùng, khách hàng có thể ngồi 1 chỗ, click chuột là có thể có được thông tin của tất cả sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp. Thế nên, hiện đang xuất hiện những cá nhân đầu cơ tên miền, rồi sau đó đưa ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp bỏ tiền để giữ tên miền đó với giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng.



Công ty Amway từng đau đầu vì tên miền chính (amway.com) bị một website khác của Thái Lan làm giả (amwayshopping.com) và đăng tải nhiều thông tin sai lệch về sản phẩm của công ty


Vậy vấn đề ở đây là tại sao tên miền đó lại có giá trị đến như vậy. Phải chăng là do thương hiệu và danh tiếng mà doanh nghiệp vốn đã đổ mồ hôi nước mắt để gây dựng nên. Và bây giờ những cá nhân đầu cơ tên miền đó hưởng lợi? Chính vì thế, vị này cho rằng, nếu không xử lý triệt để thì không chỉ một doanh nghiệp ảnh hưởng mà còn nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành nghề đó.
Ngoài ra, quy định và cách quản lý tên miền quá dễ dàng: Khi một người có thể sở hữu nhiều tên miền, doanh nghiệp cũng bất an lo sợ công sức của mình bị lợi dụng. Do đó, cần phải soạn thảo lại thông tư liên tịch, trong đó có quy định chặt chẽ hơn về  quản lý, xem tên miền đăng ký có vi phạm tên thương mại hay không.

Khó xử lý


Theo luật sư Lê Quang Vinh từ hãng luật Bross And Partners, tên miền là công cụ thiết yếu trong thương mại điện tử,  là địa chỉ để định danh trên mạng ietrnet. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế đều tuân theo nguyên tắc chung khi đăng ký tên miền là ai nộp đơn trước thì được cấp trước, sử dụng trước. Chính vì chính nguyên tắc này nên nảy sinh ra nhiều chủ thể có động cơ không lành mạnh, lấy nhiều thương hiệu lớn để đăng ký, làm cho chủ sở hữu thật sự không đăng ký được nữa.

Từ đó, xảy ra xung đột người đăng ký tên miền với chủ sở hữu thương hiệu. Đây thực tế là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, khi đăng ký tên miền mới, người đăng ký phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về lĩnh vực mà mình đang tham gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM thừa nhận, việc  giải quyết tranh chấp, khiếu nại về tên miền gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, không ít trường hợp cho rằng, họ đăng ký trước, quá trình  đăng ký tuân theo quy định nhà nước, vậy trách nhiệm quản lý nhà nước tại sao không chặn ngay từ đầu mà tự nhiên một ngày nào đó lại bảo họ đang vi phạm. Vì vậy, cần có một cơ chế nào đó để khi được cấp tên miền thì sẽ không có sự tranh chấp sau này.

Cũng theo bà Huệ, hiện nay, chúng ta chưa có văn bản nào quy định về việc thu hồi tên miền vi phạm sở hữu trí tuệ. Dẫn chứng ở trường hợp của Amway, dù năm 2011, Thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ đã có công văn kết luận là cạnh tranh không lành mạnh, nhưng khi chuyển xuống trung tâm Internet Việt Nam thì lại vướng mắc ở chỗ: Không có quy định tháo gỡ tên miền. Từ đó, các vụ tranh chấp mới chỉ dừng lại ở việc thương lượng, hòa giải giữa hai bên, chưa có một chế tài mạnh mẽ nào để giải quyết triệt để tình trạng đầu cơ, lợi dụng tên miền ăn theo doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Tp.HCM cho rằng, chính việc thiếu đồng bộ của một số văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ và lĩnh vực thông tin truyền thông  dẫn đến việc xử lý hành vi xâm phạm còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng Bộ Truyền thông – Thông tin nên sớm ban hành Thông tư liên tịch quy định phối hợp giải quyết tranh chấp tên miền liên quan đến SHTT là hết sức cần thiết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xử lý tên miền xâm phạm quyền. Đây không chỉ là giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, mà qua đó tăng cường bảo hộ quyền SHTT của các chủ thể quyền, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT.
                         



Tên miền .sucks đã được bán với giá 54.403.230 đồng cho những ai thích "chửi"

Tên miền .sucks đã được bán với giá 54.403.230 đồng cho những ai thích "chửi"





Từ ngày 21/6/2015, tên miền trang web kết thúc bằng ".sucks" đã được tung ra bán. Điều đó có nghĩa là một số người sẽ có thể thiết lập một trang để chỉ trích ca sĩ hay thương hiệu nổi tiếng với một URL như vinamilk.sucks; viettel.sucks; damvinhhung.sucks; hongocha.sucks...



Với những tên tuổi và thương hiệu lớn khi bị những tên miền mang yếu tố “không lịch sự” như .adult, .porn tạo các trang web giả mạo đưa những thông tin không chính thống lên đó thì sự thiệt hại về kinh tế và hình ảnh là không thể lường trước hết được .
Số tiền các công ty hay cá nhân phải bỏ ra là 2,499 USD (tương đương 54.403.230 đồng) để đăng ký nhãn hiệu trên miền .sucks. Vì vậy, trong lĩnh vực xăng dầu nếu hai thương hiệu lớn BP và Shell không muốn các nhà hoạt động vì môi trường xanh tìm cách đưa những thông tin bất lợi lên các site có tên miền như BP.sucks hoặc Shell.sucks thì họ cần phải hành động nhanh chóng.
Địa chỉ website với đinh dạng tên miền theo công thức “tên thương hiệu + đuôi sucks” có tiềm năng rất lớn trở thành nơi lý tưởng cho những người tiêu dùng đưa thông tin lên Internet để phàn nàn về chất lượng hàng hóa dịch vụ hay “anti-fan” của những người nổi tiếng.
Hải An (Theo Mirror.co.uk)

“Tiểu thư tên miền” Lê Hoàng Uyên Vy và thử thách “ghế nóng” ở VinEcom

“Tiểu thư tên miền” Lê Hoàng Uyên Vy và thử thách “ghế nóng” ở VinEcom 





Lê Hoàng Uyên Vy hiện là quyền tổng giám đốc VinEcom, một dự án nhiều kỳ vọng của tập đoàn Vingroup.





Cái tên Lê Hoàng Uyên Vy- quyền tổng giám đốc VinEcom bắt đầu gây chú ý khi lọt vào danh sách 30 gương mặt trẻ nổi bật do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn (tại thời điểm này cô đang giữ vị trí phó tổng giám đốc VinEcom).

Không phải ngẫu nhiên mà cô gái 27 tuổi này được Forbes bình chọn. Cô sở hữu bảng thành tích đáng nể với niềm đam mê kinh doanh khá sớm. Có điều kiện tiếp cận Internet từ sớm, năm 12 tuổi Uyên Vy đã tự học thiết kế web và 1 năm sau tự tin quảng cáo “một nhóm thiết kế web chuyên nghiệp, năng động” để kiếm tiền. Uyên Vy còn nhanh nhạy đầu cơ tên miền bán được 2.100 USD, chuyện hiếm với một cô bé 14 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp chuyên Lê Hồng Phong, Uyên Vy học tài chính tại trường kinh doanh McDonough thuộc đại học Georgetown, Mỹ. Đây cũng là thời gian cô tiếp cận với thương mại điện tử. Năm thứ 2 đại học, Uyên Vy nhanh chóng nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi các siêu thị giảm giá đồng hồ và có thể kiếm lời khi rao bán lại trên eBay. 2 năm kinh doanh trên eBay đem lại nhiều kinh nghiệm về dịch vụ khách hàng, thương lượng với nhà cung cấp, cũng như thu về gần 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) vốn tích lũy khởi nghiệp sau này.

Sau khi về Việt Nam, năm 2009 Uyên Vy sáng lập nên chuỗi nhà hàng thức ăn đường phố có tên Aiya! Thế giới ăn vặt. Trong hai năm đầu tiên, dự án này mở rộng ra được 4 địa điểm với hơn 80 nhân viên. Đúng thời điểm này, tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) triển khai dự án thương mại điện tử. Vốn là con gái chủ tịch tập đoàn Vinatex, Uyên Vy gia nhập dự án này và đặt tên công ty là Chọn.
Chọn hoạt động từ năm 2011 tập trung vào lĩnh vực thời trang với vốn đầu tư ban đầu 1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng) trong đó cá nhân cô sở hữu 10%, ngoài ra còn đóng góp vốn từ Vinatexmart, May Nhà Bè, Dệt Hòa Thọ,…

Cách làm của Uyên Vy đối với Chọn là hoạt động có giới hạn. Thay vì đàm phán với hàng loạt thương hiệu lớn, cô nghiên cứu từng thương hiệu, tìm hiểu xem họ có bao nhiêu cửa hàng, đang gặp thách thức gì rồi từ đó cung cấp đúng thứ họ thiếu. Ví như giới thiệu những bộ cánh đẹp với chi phí mềm trên website của Chọn cho những thương hiệu chưa có website.

Với cách làm du kích này, dần dần các thương hiệu lớn như Levi’s, Nine west, Axara, DKNY lần lượt xuất hiện trên Chọn giai đoạn 2011-2012. Chuyên gia Dung Tấn Trung đánh giá, ý tưởng của Vy khá hay trong việc đưa Chọn thành một công ty thương mại điện tử có tên tuổi về nhóm sản phẩm thời trang.
Cuối năm 2014 được xem là bước ngoặt của Chọn khi được VinGroup rót vốn đầu tư. Trước đây mình là ‘nhà nghèo’, bây giờ là ‘nhà có điều kiện’, Uyên Vy miêu tả về cơ hội lớn đến với Chọn. Theo Forbes, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu kép của dự án này trong 3 năm gần đây đạt mức 600%. Cú hích đến từ VinGroup phần nào giúp Chọn có điều kiện "đối đầu" với gã khổng lồ Zalora đặt chân vào Việt Nam từ năm 2012.

Ngoài việc kinh doanh Uyên Vy còn tham gia những hoạt động cộng đồng như chủ tịch Unicef Next Generation, sáng lập mạng lưới Tmspeed Network, Vttragey.com.
Hiện VinEcom có hơn 2.500 nhân viên từ tiếp thị đến nội dung, hậu cần.
Với kỳ vọng cao đến từ chủ tịch VinGroup, việc đưa VinEcom thành công là thử thách vô cùng lớn với Uyên Vy và điều mà đông đảo giới kinh doanh đang hồi hộp theo dõi.
Theo Trí Thức Trẻ

Pirate Bay đổi logo, thách thức chính quyền Thụy Điển sau khi bị tịch thu tên miền

Pirate Bay đổi logo, thách thức chính quyền Thụy Điển sau khi bị tịch thu tên miền



Tên miền piratebay.se và thepiratebay.se đã chính thức bị thu hồi bởi chính phủ Thụy Điển, sau khi tòa án Quận Stockholm đưa ra phán quyết.


Tên miền piratebay.se và thepiratebay.se đã chính thức bị thu hồi bởi chính phủ Thụy Điển, sau khi tòa án Quận Stockholm đưa ra phán quyết. Tuy nhiên trang web sẽ không ngừng hoạt động, mà sẽ trở lại với một địa chỉ khác, theo tuyên bố của người sáng lập Fredrik Neij.
Theo phán quyết của tòa án, người sáng lập Pirate Bay là Fredrik Neij đã vi phạm quyền tác giả bằng cách chia sẻ link tải của nhiều phần mềm lậu trên trang web của mình. Do đó, tên miền của Pirate Bay sẽ bị tịch thu và hiện tại đang thuộc quyền sở hữu của chính phủ Thụy Điển.



Sau khi phán quyết này được đưa ra, trang chủ của Pirate Bay với tên miền .se đã chính thức ngừng hoạt động. Tuy nhiên quản trị trang web này ngay sau đó đã chuyển hướng tên miền .se đến các địa chỉ khác (.vg, .la, .am, .gs).
Như vậy, Pirate Bay vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù không còn tên miền chính là .se. Bên cạnh sự trở lại này, Pirate Bay cũng thay đổi logo của mình. Bên cạnh con thuyền hải tặc là một con hydra 4 đầu và 5 tên miền mới của trang web. Đây được xem như là sự thách thức sau khi tòa án tuyên bố phán quyết.
Hình ảnh con hydra với nhiều đầu cho thấy rằng trang web này sẽ không thể bị ngăn chặn bởi chính quyền, nó sẽ mọc ra những cái đầu mới sau khi đầu cũ đã bị chặt. Đây được xem như sự thách thức chính quyền Thụy Điển của trang web này
Tham khảo: independent


Cách lựa chọn tên miền tốt cho doanh nghiệp

Cách lựa chọn tên miền tốt cho doanh nghiệp



Trong thời đại số hóa và môi trường kinh doanh cạnh tranh cao như ngày nay, doanh nghiệp luôn được khuyến khích lập website trực tuyến ngay từ khi họ mới bắt đầu khởi nghiệp. Chọn một tên miền cho website là chìa khóa cho công việc kinh doanh hay cho công ty mới khởi nghiệp của bạn, bởi một tên miền tốt sẽ giúp công ty của bạn dễ nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh và góp phần hướng khách hàng đến trang web của bạn.
Một tên miền cần phải dễ nhớ, phản ánh được lý tưởng và phẩm chất của bạn và công ty của bạn, và do đó đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu. Một tên miền tốt cũng giống như một biểu ngữ in sâu trong tâm trí khách hàng, thu hút sự quan tâm của khách hàng và tăng lượng truy cập cho website.



Nguyên tắc đầu tiên là chọn một tên miền dễ nhớ. Khi khách hàng nhớ được tên miền, họ sẽ dễ dàng và nhanh chóng truy cập được vào website họ muốn. Doanh nghiệp nên lưu ý tránh các tên miền có thể bị nhầm lẫn với cách đánh vần khác. Ví dụ, tên miền hoathang8.com có thể sẽ khiến khách hàng nghĩ đến hoathang8.com hoặc hoathangtam.com, và dĩ nhiên bạn sẽ mất lượng truy cập rất lớn khi khách hàng gõ không đúng tên miền của công ty bạn.
Ngoài ra, hãy sắp xếp tên miền theo đúng trật tự và gợi nhắc đến dịch vụ hoặc sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp. Ví dụ, tên miền MilkGoatHanoi.com cho biết doanh nghiệp này bán dê để sản xuất sữa, trong khi GoatMilkHanoi.com là địa chỉ khách hàng sẽ truy cập khi họ tìm mua sữa dê. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không nên sử dụng những từ không có trong từ điển hoặc các từ còn thiếu chữ cái bởi những tên miền như vậy rất khó nhớ, khiến doanh nghiệp mất nhiều khách hàng vào những trang web với tên miền được đánh vần gần giống.
Các chuyên gia luôn khuyến khích sử dụng những cụm từ hấp dẫn như một khẩu hiệu, gắn với thông điệp tiếp thị hay với ngành nghề kinh doanh để khách hàng ghi nhớ dễ dàng hơn. Ví dụ, 'thuenhagiare.com' là một tên miền dễ nhớ và thể hiện chính xác nội dung dịch vụ mà doanh nghiệp này cung cấp.
Nếu tên miền bạn muốn chọn không có sẵn, bạn có thể xem xét sửa đổi bằng cách thêm vào tên miền mong muốn một từ hoặc cụm từ để có được một tên miền như ý. Khách hàng không thể tìm thấy trang web khi họ gõ tên miền của công ty bạn vào URL nhưng họ vẫn có thể tìm kiếm trực tuyến và có thể tìm thấy website công ty bạn.
Tóm lại, các chuyên gia trong ngành khuyến nghị các doanh nghiệp đang đặt tên miền hoặc các cá nhân đăng ký tên miền với mục đích cá nhân nên chọn một tên miền .COM dễ nhớ, giàu tính mô tả, ý nghĩa và chính thống. Hãy sáng tạo, khám phá nhiều phương án khác nhau và đưa ra lựa chọn thật thông minh.

Dienmay.com bất ngờ đổi tên thương hiệu thành Điện máy Xanh

Dienmay.com bất ngờ đổi tên thương hiệu thành Điện máy Xanh



Hệ thống siêu thị điện máy Dienmay.com thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động bất ngờ đổi tên thương hiệu thành Điện máy Xanh, sử dụng website mới dienmayxanh.com.


Một siêu thị sử dụng thương hiệu mới Điện máy Xanh. Ảnh: TGDĐ.

Theo thông tin từ Thế Giới Di Động, 4 năm sau khi ra đời, hệ thống siêu thị điện máy dienmay.com hiện nay đã có mặt tại nhiều tỉnh thành với 24 siêu thị tại thị trường phía Nam, cung cấp các sản phẩm điện tử, điện lạnh, gia dụng, viễn thông...
Đến nay, doanh nghiệp bắt đầu tiến hành đổi tên hệ thống dienmay.com thành hệ thống siêu thị điện máy Xanh, đồng thời địa chỉ website cũng đổi thành Dienmayxanh.com nhằm mục đích giúp khách hàng dễ dàng hơn trong cách nhận biết thương hiệu, phù hợp với chiến lược kinh doanh mới.
“Tất cả mọi hoạt động bán hàng cũng như chính sách bán hàng, chăm sóc khách hàng, thông tin liên hệ… đều không có gì thay đổi so với trước đây”, thông tin từ Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động cho hay.
Đây là lần thứ hai chỉ trong 5 năm mảng kinh doanh điện máy của Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động đổi tên.
Thế Giới Di Động chính thức nhảy vào mảng kinh doanh mặt hàng điện máy từ ngày 22/12/2010 với website thegioidientu.com, kinh doanh điện máy online trên toàn quốc và khai trương điểm bán đầu tiên đặt tại 561 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Sau đó chưa đầy 1 năm, đến ngày 10/6/2011, thương hiệu siêu thị điện máy Thegioidientu.com đã nhanh chóng sử dụng tên mới Dienmay.com; website www.thegioidientu.com cũng được đổi thành www.dienmay.com, thay đổi toàn diện về cấu trúc.
Tại thời điểm đó, tên miền www.dienmay.com được định giá 10 tỷ đồng.


nguồn: http://ictnews.vn/cong-nghe-360/dien-may/dienmay-com-bat-ngo-doi-ten-thuong-hieu-thanh-dien-may-xanh-125591.ict

Thủ tục thành lập website kinh doanh quảng cáo để không bị phạt?

Thủ tục thành lập website kinh doanh quảng cáo 

để không bị phạt?




Mới đây, Bộ TT&TT đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động đối với một số trang web do hoạt động không phép, sai phép... Vậy thủ tục thành lập website kinh doanh quảng cáo thế nào?
Hỏi:
Thưa luật sư, chúng tôi được biết mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động, thu hồi tên miền đối với một số trang web do hoạt động không phép, sai phép. Hiện tại, công ty chúng tôi đang thành lập website để hoạt động kinh doanh quảng cáo qua mạng internet. Chúng tôi muốn hoạt động trang tin điện tử đúng quy định pháp luật. Tôi muốn xin các luật sư tư vấn giúp tôi thủ tục thành lập website, cách đăng ký các loại giấy phép hoạt động website.

Thủ tục thành lập website kinh doanh quảng cáo phải đúng pháp luật (Ảnh minh họa)


Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp. HCM) trả lời: 
Thân chào bạn! 
Bạn có thể thực hiện thủ tục yêu cầu cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, như sau: 
1. Điều kiện cấp phép
a. Là tổ chức, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật tại Việt Nam;
b. Có đủ phương tiện kỹ thuật, nhân sự, chương trình quản lý phục vụ cho việc thiết lập, cung cấp và quản lý thông tin phù hợp với quy mô hoạt động;
c. Cam kết của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung trang thông tin điện tử và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin điện tử trên Internet.
2. Hồ sơ cấp phép
Hồ sơ cấp phép được lập thành 02 bộ, mỗi bộ hồ sơ gồm có:
a. Đơn đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, có nội dung cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thông tin điện tử trên Internet;
b. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập;
c. Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp;
d. Đề án thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp gồm những nội dung chính sau:
- Mục đích cung cấp thông tin; nội dung thông tin; các chuyên mục; nguồn tin hợp pháp; quy trình xử lý tin, nhân sự, mẫu bản tin trang chủ và các trang chuyên mục chính.
- Loại hình dịch vụ dùng để cung cấp hoặc trao đổi thông tin (website, forum, blog…);
- Biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm cho việc cung cấp và quản lý thông tin;
- Tên miền dự kiến sử dụng.
Đối với Trang tin điện tử tổng hợp, bạn phải xin được giấy thỏa thuận trích dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí, đơn vị được phép đăng, phát thông tin.
3. Thời gian và quy trình xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Theo phân cấp, các cơ quan Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh tiến hành xét duyệt hồ sơ. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, đơn vị cấp phép sẽ cấp phép. Trong trường hợp từ chối, đơn vị cấp phép có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Đối với trang tin điện tử hiện nay, các Sở Thông tin Truyền thông các địa phương cấp phép. Các trang mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
4. Bổ sung, sửa đổi, cấp lại giấy phép
a. Khi có nhu cầu thay đổi quy định trong giấy phép về nội dung thông tin, người chịu trách nhiệm, tên miền, tên tổ chức, doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở giao dịch, tổ chức, doanh nghiệp phải có đơn đề nghị trong đó nêu chi tiết nội dung đề nghị sửa đổi và lý do thay đổi nội dung giấy phép, bản sao giấy phép đang có hiệu lực, gửi về Bộ Thông tin và Truyền thông;
b. Trong trường hợp giấy phép bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị tiêu huỷ dưới các hình thức khác, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải gửi văn bản đề nghị nêu rõ lý do xin cấp lại giấy phép tới Bộ Thông tin và Truyền thông;
c. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành xét duyệt hồ sơ. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có quyết định bổ sung, sửa đổi hoặc cấp lại giấy phép. Trong trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
5. Gia hạn giấy phép
a. Tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép muốn gia hạn giấy phép phải gửi hồ sơ xin gia hạn tới Bộ Thông tin và Truyền thông 30 ngày trước ngày giấy phép hết hạn. Hồ sơ xin gia hạn gồm đơn xin gia hạn giấy phép và bản sao giấy phép đang có hiệu lực
b. Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và xét gia hạn giấy phép trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối gia hạn giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản nêu rõ lý do cho tổ chức, doanh nghiệp nộp đơn biết;
c. Giấy phép chỉ được gia hạn 01 lần và thời gian gia hạn không vượt quá một năm.
6. Thu hồi giấy phép
a. Tổ chức bị thu hồi giấy phép khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
- Cung cấp nội dung thông tin vi phạm các quy định về quản lý thông tin điện tử trên Internet theo văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép không triển khai hoạt động cung cấp thông tin trên mạng Internet theo quy định tại giấy phép được cấp.
b. Tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép không được cấp phép tại ít nhất trong vòng 01 năm, kể từ ngày bị thu hồi giấy phép.
7. Thời hạn của giấy phép
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp có thời hạn tối đa không quá 05 năm.


nguồn: http://infonet.vn/thu-tuc-thanh-lap-website-kinh-doanh-quang-cao-de-khong-bi-phat-post163632.info

Microsoft đề nghị Google bỏ tên miền Microsoft.com

Microsoft đề nghị Google bỏ tên miền Microsoft.com




Trong nỗ lực nhằm gỡ bỏ những liên kết vi phạm bản quyền trên mạng Internet, hãng Microsoft đã…nhầm lẫn đề nghị Google “xử” cả tên miền Microsoft.com.




Tính tới nay, Google đã nhận yêu cầu gỡ bỏ tới 100 triệu đường liên kết “có vấn đề” khỏi kết quả tìm kiếm của họ, nếu như những liên kết này liên quan tới nội dung vi phạm bản quyền.
Để tích cực tham gia quá trình này, Microsoft đã ủy quyền cho công ty quản lý quyền nội dung có tên là LeakID để tìm kiếm và gửi yêu cầu kiểm duyệt tới Google.
Với tư cách đại diện cho Microsoft, LeakID đã không may để nhầm lẫn, nên đề nghị “gã khổng lồ tìm kiếm” gỡ bỏ cả những liên kết dẫn tới website chính Microsoft.com.
Khi xem xét cụ thể thì người ta thấy rằng công ty được ủy quyền đã copy và paste lỗi, nên đưa tên miền thực sự của Microsoft vào danh sách “những đường link vi phạm.”
Rất may, Google đã kịp nhận ra sơ suất nói trên và không… “xử” trang web Microsoft.com.
Theo Báo cáo Minh bạch gần đây của Google thì kể từ hồi tháng Một tới nay, hãng này đã nhận được lượng đề nghị gỡ bỏ 100 triệu liên kết khỏi kết quả tìm kiếm của họ, nhiều gấp đôi so với hồi năm ngoái.
Hai tổ chức tích cực đề nghị nhất là Degban, hãng bảo vệ bản quyền “thuê” cho các khách hàng và tổ chức công nghiệp âm nhạc Anh BPI.
Trong khi Degban “sở hữu” lượng đề nghị gỡ bỏ tới 31 triệu đường liên kết thì với BPI, con số này là 26 triệu.
Theo Văn Hưng
Vietnam+

Ra giá 150.000 USD mới chịu bán tên miền Ebola.com

Ra giá 150.000 USD mới chịu bán tên miền Ebola.com





“Ebola.com sẽ là tên miền rất tốt cho các công ty dược phẩm đang nghiên cứu về vaccine phòng chống ebola hoặc về phương pháp điều trị ebola; hoặc một công ty đang cung cấp các giải pháp phòng tránh bệnh ebola; hoặc một tổ chức y tế muốn cung cấp các thông tin và dịch vụ tư vấn về căn bệnh này”, chủ tịch Blue String Ventures, ông Jon Schultz nói.



Schultz đã mua tên miền này năm 2008. Họ cũng sở hữu các tên miền như BirdFlu.com, Fukushima.com (nói về thảm họa nhà máy điện nguyên tử Fukushima tại Nhật Bản) và PotassiumIodide.com (đây là một từ ghép dùng để chống lại căn bệnh ung thư do các chất phóng xạ, trong các trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân hoặc khủng bố sinh học) cùng nhiều tên miền khác.
Tuy nhiên, thật khó để nói liệu những công ty như Blue String Ventures có đáng trách cứ và cảm thấy xấu hổ khi tìm kiếm cơ hội trên nỗi lo sợ của loài người, kiếm lợi nhuận trên sự đau khổ của người khác và không đóng góp gì cho xã hội.
Theo Gizmodo/ictnews

Những đặc điểm xác định domain tiềm năng

Những đặc điểm xác định domain tiềm năng



Ai cũng biết domain (tên miền) là tài sản. Ai cũng biết domain là bất động sản số. Ai cũng biết có thể kiếm tiền từ domain, nhưng không phải ai cũng biết 1 domain name tiềm năng gồm những đặc điểm gì. Bài viết sau sẽ chỉ ra những đặc điểm để xác định 1 domain tiềm năng.


1. Đuôi mở rộng phổ biến:

.COM là đẹp nhất, tuy nhiên theo báo cáo của Sedo, hiện các đuôi mã quốc gia cũng đang phát triển mạnh. Việc xác định đuôi nào là tùy bạn, tuy nhiên, nên chọn 1 cái đuôi dễ nhớ, thị trường tiềm năng nhiều người biết. Tại Việt Nam .COM, .VN, .COM.VN là lựa chọn tối ưu.

2. Càng ngắn càng tốt:

Đây là quy luật rất đơn giản. Số lượng từ càng ngắn càng tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý để chọn giữa từ viết tắt và từ toàn nghĩa. Nếu phải lựa chọn, nên chọn từ toàn nghĩa thay cho từ viết tắt.

3. Dễ nhớ:

Có ai dám mua một domain mà sau khi đọc tới đọc lui cả 10 lần mà vẫn không thể nhớ nổi cách viết không?

4. Dễ đọc:

Đừng dại dột mà đầu tư 1 domain mà sau khi đọc xong người ta không hiểu là gì hoặc sau khi nghe xong người ta hiểu nhầm sang 1 domain khác.

5. Có thể xây dựng thương hiệu:

Đây là một khuynh hướng đầu tư cùng tồn tại song song với khuynh hướng đầu tư Keywords. Theo tôi đây cũng là một kênh đầu tư tốt. Tuy nhiên, tuyệt đối tránh ăn cắp thương hiệu để tránh tranh chấp về sau.

6. Không nên có dấu gạch ngang:

Đây là một gợi ý. Tại thị trường Việt nam là vậy, nhưng tại một số nước (Italia) lại chuộng dấu gạch ngang hơn.

7. Không kết hợp giữa chữ và số

Khi mua 1 domain kết hợp giữa chữ và số, điều đó có nghĩa là bạn đã tạo ra 1 domain giống loại với hàng trăm domain khác. Ví dụ như bạn đầu tư domain24.com thì của bạn cũng sẽ chìm nghỉm trong đám domain365.com, domain 247.com, domain 24x7.com...

8. Tuyệt đối không đầu tư vào domain có thể viết nhầm:

Trước đây, vẫn có một số domainer nhận được tiền do người sử dụng gõ nhầm chuyển hướng sang quảng cáo. Tuy nhiên theo báo cáo của Go Daddy, tỉ lệ gõ nhầm càng ngày càng giảm và đây không còn là phân khúc hấp dẫn để đầu tư nữa.

9. Độc đáo

Đây là một tiêu chí phức hợp đòi hỏi domain phải là domain keywords nhưng phải kết hợp độc đáo. Ví dụ như trường hợp của About.me, chỉ cần nhìn 1 lần là bạn ấn tượng, khác biệt và nhớ ngay.

10. Lạ, độc, mới lạ.

Theo một kinh nghiệm rất thú vị về tên miền  Nooooooooooooooo.com. Không nhớ rõ tên miền này có bao nhiêu từ "o". Nhưng rõ ràng, tên miền này đang phát triển.
Với traffic 10.000 lượt truy cập 1 tháng theo đánh giá của Compete.com và đạt lượt Tweet 42.000 lần và chia sẻ trên Facebook là 166.000 lần thì đây rõ ràng là một domain thành công.
Vì vậy, những domain được chọn lựa domain độc, lạ và không theo quy tắc nào đôi khi cũng lại là ý hay.
Đây chỉ là các gợi ý, trong quá trình đầu tư, điều đặc biệt quan trọng là thấy những điều người khác chưa thấy. Chúc các bạn thành công.



Nguồn sưu tầm

Kinh nghiệm cách đầu tư và chuyển nhượng tên miền .VN

Kinh nghiệm cách đầu tư và chuyển nhượng tên miền .VN



Việc mua bán tên miền .VN tại Việt Nam có được hay không vẫn chưa ngã ngũ, nhưng chuyển nhượng tên miền và có "thỏa thuận" (giống như mua bán) thì được. Để có những cơ hội và tránh tối đa rủi ro khi đầu tư và mua bán domain .VN cần lưu ý điều gì?

1. Hãy đầu tư đúng.


Để có cơ hội cần phải tạo cơ hội. Để tạo cơ hội cần phải đầu tư đúng. Bạn có thể tham khảo "9 đặc điểm của domain tiềm năng".


2. Hãy quản trị được dòng tiền:



Đầu tư và kinh doanh domain không phải là chiến lược một sớm một chiều mà phải là 5-10 năm. Do đó, việc kiểm soát tài chính trong đầu tư domain là cực kỳ quan trọng. Rất nhiều domainer đã phải trả giá (bỏ ngang việc đầu tư) vì đã không quản trị được nguồn tài chính này. Bạn có thể tham khảo "Nghệ thuật kiểm soát tài chính trong đầu tư domain "

3. Hãy tiếp cận người mua một cách khôn ngoan:



Bạn nghĩ rằng đầu tư domain là mua là bán được sao? Trong thế giới thực của domainer không hề có chuyện đó. Bạn phải tiếp thị và tiếp thị liên tục. Nhưng tiếp thị khác với spam. Bạn phải có chiến lược và các bước đi khôn ngoan. Bạn có thể tham khảo " Làm sao để bán được domain".

4. Hãy tuân thủ luật chơi của Việt Nam





Bạn rao bán domain tại rất nhiều diễn đàn, mua các domain thương hiệu và sử dụng chúng với mục đích xấu, không nắm được quy định của VNNIC trong việc chuyển nhượng domain là bạn đã tự làm mất cơ hội của chính mình.
Để chuyển nhượng được domain (tôi không dùng từ mua-bán) tại Việt Nam, bạn phải quản lý được 1 rủi ro lớn nhất là "Domain chỉ có thể được đăng ký cho chủ mới khi nó đã được ở trạng thái tự do trên hệ thống VNNIC". Tôi cũng đã có những bài viết để cảnh báo việc này. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách làm thì không có vấn đề gì.

Cách chuyển nhượng là gì?

Chỉ đơn giản là bạn gửi cùng 1 lúc 2 bộ hồ sơ lên VNNIC (nhà đăng ký sẽ làm giúp bạn). Tuy nhiên, rủi ro chính là ở đây, phải chọn người của bạn tại nhà đăng ký trong vụ giao dịch này. Nếu không người rủi ro chính là bạn.


nguồn sưu tầm


Qui tắc cơ bản để chọn tên miền đẹp

Qui tắc cơ bản để chọn tên miền đẹp



Mặc dù một tên miền ngắn thì rất khó đăng ký hiện nay (tất cả tên miền .com, .net,.org có ít hơn 4 ký tự đều đã được đăng ký hết ), nhưng trừ khi bạn muốn tên miền là tên đầy đủ của công ty bạn, bạn nên chọn tên miền ngắn nhất có thể được (msn.com, hp.com, ...).
Mặc dù không có quy tắc nào dưới đây là tuyệt đối, nhưng nó sẽ giúp bạn thuận lợi hơn trong việc chọn lựa tên miền cho bạn!




Quy tắc 1 : Càng ngắn càng tốt


Mặc dù một tên miền ngắn thì rất khó đăng ký hiện nay ( tất cả tên miền .com,.net,.org có ít hơn 4 ký tự đều đã được đăng ký hết ), nhưng trừ khi bạn muốn tên miền là tên đầy đủ của công ty bạn, bạn nên chọn tên miền ngắn nhất có thể được ( msn.com, hp.com, ...). Tên miền ngắn thì dễ nhớ, dễ gõ địa chỉ, và dễ dàng khi cần thiết kế nhãn hiệu, logo...

Quy tắc 2 : Dễ nhớ



Bạn sẽ dễ dàng để nhớ các tên nhu Art.com, Business.com... Bạn cũng có thể nhớ những tên đặc biệt như Yahoo.com, Amazon.com hay Google.com. Những tên miền có một ý nghĩa đặt biệt, và khi phát âm giàu âm điệu, dễ nghe, dễ đọc thì sẽ dễ nhớ hơn. Hãy đọc to và nhiều lần tên miền mà bạn muốn đăng ký. Nếu chúng khó phát âm, khó nhớ, dễ gây nhầm lẩn, hãy chọn tên miền khác. Những tên miền ngộ nghĩnh thì cũng dễ nhớ ( Alibaba.com, Umbala.com,...).Trong thế giới của internet, tất cả mục đích của một tên miền, đó là luôn ở trong trí nhớ của khách hàng.

Quy tắc 3: Không gây nhầm lẫn



Một tên miền tốt phải không tương tự hoặc dễ gây nhầm lẫn với tên miền sẵn có. Nếu tên miền sẵn có là một thương hiệu đã được đăng ký, bạn có thể gặp rắc rối khi sử dụng tên miền tương tự. Một khía cạnh cần phải lưu ý là tên miền của bạn cần phải dễ đọc khi bạn phải đọc tên miền cho ai đó qua điện thoại. Đừng dùng các dấu gạch ngang ( - ) trong tên miền của bạn ( trừ khi bắt buộc ), bởi vì rất dễ nhầm lẫn khi đọc và và gõ các tên miền loại này.

Quy tắc 4: Khó viết sai



Nếu mọi người có thể viết sai cái gì đó, họ sẽ viết sai! Tên miền càng dài và càng phức tạp thì càng nhiều khả năng bị viết sai. Nếu tên miền của doanh nghiệp bạn dài hoặc rắc rối, bạn sẽ mất đi nhiều khách hàng. Một số kẻ sẽ lợi dụng sự nhầm lẫn của người truy cập khi gõ sai một địa chỉ của để chỉ đến một website khác.

Quy tắc 5: Liên quan đến tên hoặc lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp



Điều này có vẻ rõ ràng và hiển nhiên, nhưng lại không dễ thực hiện. Nếu như bạn không thể tìm chính xác tên miền cho doanh nghiệp của bạn, đừng bỏ cuộc. Hãy thử tìm một tên nói lên chức năng, công việc chính hay mô tả tính độc đáo của doanh nghiệp bạn. Nếu doanh nghiệp của bạn có tên là A và hoạt động chính của bạn là Du lịch, thì tên thích hợp sẽ là tenthuonghieutourist.com. Bạn cũng có thể xem xét khả năng dùng các tên miền có phần đuôi là .BIZ, .INFO nếu không tìm được tên có phần đuôi.COM,.NET,.ORG.

Quy tắc 6: Dựa trên khách hàng mục tiêu



Với rất nhiều phần đuôi của tên miền hiện nay, nguời sử dụng interrnet phần lớn vẫn quen thuộc với những tên miền .com, .net, .org. Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là toàn cầu, tên miền .COM, .NETsẽ có lợi cho bạn. Nếu bạn muốn nhấn mạnh doanh nghiệp bạn ở một quốc gia, bạn sẽ xem xét để có một tên miền quốc gia ( .VN, .UK, .DE,...) và đó là sự chọn lựa đúng đắn của bạn.

Domain .gay & .islam không được sử dụng ở các nước Ả Rập Saudi

Domain .gay & .islam không được sử dụng ở các nước 

Ả Rập Saudi




Chính quyền các nước Ả Rập Saudi đang thực hiện lệnh cấm hàng loạt các domain do nghi ngờ nó ủng hộ cho tình dục đồng giới, từ đó ảnh hưởng đến nền văn hóa của các nước Ả Rập Saudi, 2 trong số đó chính là domain .gay & .islam.
Đây là 1 trong các cuộc truy quét lớn nhất trên thế giới ảo của các nước Ả Rập Saudi. Có ít nhất 31 domain mang ý nghĩa tôn giáo và văn hóa buộc lòng phải ngừng hoạt động, thay vào đó sẽ là các domain .com, .org, .net .... hoặc các domain viết tắt của quốc gia. ICANN - Tổ chức chuyên quản lí tên miền là người đứng ra thay đổi domain cho các website đang sở hữu các domain nói trên. Các nước Hồi giáo có nền văn hóa giàu truyền thống luôn luôncho rằng các vấn đề tình dục đồng giới và các vấn đề nhạy cảm khác là đi ngược lại với đạo đức vốn có của con người.


Domain .gay và nhiều domain khác liên quan đến tình dục và tôn giáo sẽ bị cấm ở Ả Rập Saudi


Cũng trong số nầy, Johnson & Johnsom cũng là 1 nạn nhân. Sở hữu domain .baby cũng khiến cho hãng sữa trẻ em nổi tiếng nầy bị chính phủ Ả Rập xóa bỏ do bị nghi ngờ có liên quan đến sex. 1 số domain khác cùng chung số phận như: .sexy, .porn, .adult, .virgin, . hot, .islam,  .catholic, .bible ... Dự tính quá trình nầy sẽ kéo dài 11 tháng, người dân các nước Ả Rập Saudi có quyền có ý kiến với chính phủ về vấn đề nầy cho đến ngày 26/9/2013.