Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Luật sư Phan Vũ Tuấn: "Cung cấp phim lậu trên Internet có thể bị xử lý hình sự"

Luật sư Phan Vũ Tuấn: "Cung cấp phim lậu trên Internet có thể bị xử lý hình sự"



Theo Luật sư Phan Vũ Tuấn, với hành vi vi phạm bản quyền trên Internet ngoài các biện pháp xử lý hành chính như: Phạt tiền, thu hồi tên miền, thu hồi giấy phép... còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng một số điều kiện theo luật định.

Người dùng đã không còn truy cập được vào hayhd.vn từ chiều 3/11/2015.
Như ICTnews đã đưa tin, vào ngày 3/11/2015 website phim www.hayhd.vn đã bị các cơ quan chức năng thu hồi tên miền vì vi phạm bản quyền nhiều bộ phim do các hãng phim trong nước và nước ngoài sản xuất.
Gần đây, Bộ TT&TT đã bắt đầu siết chặt quản lý bản quyền nội dung trên Internet, đặc biệt là bản quyền đối với các tác phẩm điện ảnh, truyền hình. Trước đó, ngày 7/10/2015, Thanh tra Bộ TT&TT đã ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Bách Triệu Phát với số tiền là 60 triệu đồng vì truyền đạt bản sao các tác phẩm điện ảnh đến công chúng trên mạng xã hội www.hayhaytv.vn khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu. Hayhaytv.vn còn bị tịch thu các server chứa nội dung phim xâm phạm bản quyền.
Cung cấp phim lậu miễn phí vẫn bị coi là vi phạm bản quyền

Trước hai vụ việc nói trên, trao đổi với ICTnews, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ, Trưởng văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam cho hay, thực tế ở Việt Nam hiện nay hầu như các chủ sở hữu website đều tự ý thu lại và đăng tải nội dung các tác phẩm điện ảnh lên website rồi cho người khác xem, việc này có thể thu tiền trực tiếp từ người dùng hoặc thu tiền từ hoạt động quảng cáo mà không hề xin phép hay trả tiền cho chủ sở hữu quyền. thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
Theo Luật sư Phan Vũ Tuấn, việc đánh giá các hành vi xâm phạm bản quyền hoàn toàn dựa trên hành vi chứ không nhằm vào mục đích. Theo đúng quy định, khi đăng tải nội dung phim của chủ thể khác trên Internet để cho người khác xem là anh đang phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, nếu không có được sự cho phép của chủ sở hữu và không thực hiện nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền, nghĩa là anh đã thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền tác giả theo quy định tại khoản 3 và khoản 8 điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, đó còn là hành vi bị cấm theo khoản 3 điều Luật Công nghệ thông tin.
“Do đó, dù anh có thu tiền hay không thu tiền người dùng khi xem các nội dung tác phẩm điện ảnh trên website, dù chỉ với mục đích chia sẻ cho vui hay kinh doanh chuyên nghiệp thì anh vẫn đang vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ như đã nêu trên”, Luật sư Phan Vũ Tuấn nói.
Xâm phạm quyền tác giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Tuấn cho biết, theo quy định tại khoản 1 điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu quyền tác giả bị xâm phạm có các quyền sau: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí  tuệ. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt. Yêu cầu cơ quan nhà nước có hành vi xâm phạm bản quyền. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, khi được yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên Internet, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chính sau: Cảnh cáo; Phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: Thu hồi tên miền, địa chỉ Internet, số hiệu mạng.
Ngoài ra, Việt Nam vừa gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là thời đểm cho các chủ sở hữu quyền tác giả nước ngoài mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng bảo vệ bản quyền của các tác phẩm điện ảnh của mình tại Việt Nam. Do đó, các chủ thể xâm phạm còn có nguy cơ đối mặt với những vụ kiện bản quyền từ các chủ sở hữu quyền nước ngoài.
Thậm chí, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi xâm phạm quyền tác giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đáp ứng một số điều kiện luật định.
Do đó, Luật sư Tuấn đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số nói chung và kinh doanh dịch vụ xem phim trực tuyến trên website nói riêng phải hết sức cẩn trọng và tuân thủ đúng theo quy định pháp luật về quyền tác giả trong thời gian tới nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra, cũng nên thường xuyên cập nhật các quy định mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm cập nhật các thay đổi liên quan đến chính sách và đưa ra các điều chỉnh thích hợp.
Luật sư Phan Vũ Tuấn, Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ, Trưởng văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam:
Các bộ phim hay nói chính xác hơn là các tác phẩm điện ảnh, các chương trình phát sóng, cũng như các tác phẩm âm nhạc là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, cũng như tại Điều 2 Công ước Berne mà Việt Nam là thành viên năm 2004. Theo đó, Chủ sở hữu đối với các tác phẩm được bảo hộ có các quyền độc quyền là quyền tài sản như: Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng ; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh.
Việc trình chiếu các tác phẩm điện ảnh trên website cho người dùng Internet tiếp cận chính là hành vi phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, đó là một trong những quyền độc quyền của Chủ sở hữu tác phẩm điện ảnh mà theo quy định tại khoản 3 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì bất cứ chủ thể nào sử dụng một hoặc một số hoặc tất cả các quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút cho chủ sở hữu quyền. Do đó, có thể thấy rằng, việc đăng tải nội dung của các tác phẩm điện ảnh lên Internet để người khác xem chỉ tuân thủ theo đúng quy định pháp luật khi người đăng tải đã xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm điện ảnh đó. 


Minh Quyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét